top of page

06 điều cần biết về ngôn ngữ cơ thể khi giao tiếp

  • Writer: Kim Dung
    Kim Dung
  • Dec 13, 2016
  • 4 min read

Updated: Jun 14, 2022

Hầu hết mọi người nghĩ rằng lời nói là quan trọng nhất và quyết định sự thành công của một cuộc giao tiếp. Tuy nhiên, nếu bỏ qua ngôn ngữ cơ thể thì cuộc giao tiếp của bạn chỉ mới thành công một nửa.


Trong giao tiếp có 2 kiểu ngôn ngữ chính: ngôn ngữ có lời (verbal) và ngôn ngữ không lời (non-verbal) hay còn gọi là ngôn ngữ cơ thể (body language). Ngôn ngữ có lời dùng lời nói để truyền thông tin, có thể dùng để che dấu, đánh lừa người khác. Còn ngôn ngữ không lời thì dùng những cử chỉ, ánh mắt, điệu bộ, những gì thể hiện ra bên ngoài để truyền đạt thông điệp. Sau đây là những điều cần biết về ngôn ngữ cơ thể khi giao tiếp:


1. Gương mặt

Có 6 trạng thái gương mặt cơ bản: vui, buồn, giận dữ, kinh ngạc, đau khổ, sợ hãi. Nét mặt giúp chúng ta truyền đạt tới người đối diện những thông điệp, ý nghĩ khó diễn đạt bằng lời nói trực tiếp. Bên cạnh đó, nét mặt còn giúp ta đọc được thái độ, suy nghĩ của người khác. Khi vui, cơ mặt sẽ căng ra và trông rất rạng rỡ, còn khi buồn trong lòng trĩu nặng thì nét mặt cũng trở nên ủ rũ, không sức sống. Nếu bạn có cố không bày tỏ thái độ của mình ra nhưng ngôn ngữ không lời trên nét mặt cũng nói lên tất cả.


2. Nụ cười

Nụ cười thể hiện tình cảm, là yếu tố quan trọng lấy được thiện cảm của người đối diện. Khi giao tiếp, một nụ cười tự nhiên sẽ làm cho cuộc nói chuyện trở nên thoải mái và dễ dàng hơn. Mỗi kiểu cười biểu hiện một thái độ nào đó, như cười mỉm thể hiện sự ngại ngùng, còn cười thầm là giấu giếm điều gì đó hoặc đã hại được ai. Cho nên trong giao tiếp chúng ta phải thật chú ý và tinh nhạy. Ở Nhật Bản, khi mỗi hành khách lên xe buýt bác tài đều nói rất to “Konnichiwa!” (xin chào) và nở nụ cười tươi chào đón. Sự kết hợp hoàn hảo đó làm khách hàng rất hài lòng và yên tâm với dịch vụ mà họ đã chọn.


3. Ánh mắt

Ánh mắt bộc lộ cảm xúc, thái độ, sự chú ý, đồng tình hay phản đối… của bạn, vì vậy mọi người mới ví đôi mắt như “cửa sổ tâm hồn”. Trong một cuộc giao tiếp, nếu không nhìn vào mắt đối phương họ sẽ nghĩ bạn là người không trung thực hoặc đang nói dối. Việc nhìn không liên tục với chu kỳ khoảng 1 – 10 giây sẽ giúp bạn có được sự tin cậy và thoải mái khi giao tiếp. Bạn nên thể hiện đúng ánh mắt mà mình muốn truyền tải thông điệp đến người khác, không nên quá rụt rè mà tránh ánh mắt của họ. Điều đó sẽ làm bạn mất điểm trong mắt người đối diện.


4. Các cử chỉ

Bạn cần quan sát ngôn ngữ của toàn bộ cơ thể từ đầu, thân, tay và chân. Không phải lời nói nào cũng thể hiện hết được ý nghĩa của nó, mà cần có sự kết hợp giữa lời nói và cử chỉ để giúp cuộc nói chuyện thành công. Bạn có thể dễ dàng thấy những giáo viên của mình không chỉ đơn thuần ngồi giảng mà họ còn kèm theo những cử chỉ để làm cho các bạn tập trung, tăng sức thuyết phục của bài giảng. Không nên làm thái quá cuộc nói chuyện bằng việc vung tay trong mọi tình huống. Ngoài ra, biểu hiện rung lắc chân cho thấy sự lo lắng hay cử chỉ gãi tai, gãi đầu thể hiện sự bối rối, mất tự tin.


5. Tư thế

Tư thế đứng, ngồi, đi lại thể hiện người đó có chức vụ, địa vị xã hội cũng như thái độ như thế nào. Ví dụ như trong cuộc họp giữa giám đốc và nhân viên, người có vị thế cao hơn sẽ ngồi thoải mái, có thể tựa vào ghế, ngã về phía sau và bắt chéo chân. Còn nhân viên có chức vụ thấp nên thường sẽ ngồi khép nép hơn, tư thế luôn hướng về người lãnh đạo. Những tư thế cần tránh khi giao tiếp: nghiêng ngả, mệt mỏi, tư thế không hướng tới người nghe…  Điều đó sẽ làm người đối diện khó chịu và thấy mình không được tôn trọng.


6. Khoảng cách giao tiếp

Tùy theo từng vùng văn hóa và mức độ thân thiết hoặc thái độ, mục đích của mỗi người mà khoảng cách giao tiếp được quy định khác nhau.


Thước đo 4 mức độ khoảng cách ở Mỹ:

+ Vùng thân mật: 15 – 60 cm (sử dụng trong giao tiếp của những người thân)

+ Vùng cá nhân: 45 – 120 cm (sử dụng trong giao tiếp với người quen biết)

+ Vùng xã hội: 120 – 400 cm (sử dụng trong giao tiếp với người lạ và giao tiếp chính thức)

+ Vùng công cộng: 400 – 750 cm (sử dụng trong các buổi phát biểu hay thảo luận với nhóm).

o0o

06 phương diện trên được xem là cơ bản và được sử dụng nhiều nhất trong giao tiếp. Hi vọng thông qua đây các bạn sẽ trang bị thêm kinh nghiệm cho mình về kỹ năng giao tiếp.


Commenti


  • Facebook
  • Instagram
bottom of page