top of page

Bí quyết “cai nghiện” Facebook

  • Writer: Kim Dung
    Kim Dung
  • Dec 9, 2016
  • 3 min read

Updated: Jun 15, 2022

Việc sử dụng Facebook đối với giới trẻ Việt Nam từ lâu đã trở thành một “căn bệnh”. Nếu bạn là một tín đồ “nghiện” Facebook chính hiệu thì cần bỏ túi cho mình những bí quyết “cai nghiện” Facebook hiệu quả.


Mạng xã hội là dịch vụ kết nối mọi người với nhiều mục đích khác nhau như: trò chuyện, kinh doanh, giải trí,… Hiện nay, trên thế giới có nhiều trang mạng xã hội khác nhau, riêng ở Việt Nam có một số mạng xã hội được ưa chuộng như: Facebook, Twitter, Instagram,…


Theo thống kê, Việt Nam có 36 triệu người dùng Internet và gần 25 triệu người trong số đó đang sử dụng Facebook. Đó là kết quả nghiên cứu của Công ty nghiên cứu thị trường Epinion (Đan Mạch) đưa ra trong khảo sát về hành vi sử dụng Facebook. Bên cạnh đó, tổ chức AIESEC cũng đã hợp tác với Unilever, Nielsen và Adecco đã công bố “Khảo sát giới trẻ Việt 2014”, đối tượng khảo sát là thế hệ Y của Việt Nam (sinh vào những năm 1980 đến những năm 1990).


Khảo sát cho biết hầu hết các sinh viên đều có sử dụng mạng xã hội (99,8% người được hỏi); 82% sinh viên được hỏi cho biết thời gian họ dành cho mạng xã hội đang chiếm khoảng 1-5 tiếng mỗi ngày. Gần 10% sinh viên nói rằng đang dành trên 6 tiếng mỗi ngày cho mạng xã hội.


Trong thời đại số, việc sử dụng Facebook sẽ giúp bạn kết nối được với nhiều người, thông tin được truyền tải nhanh hơn. Từ đó, bạn có thể dễ dàng tìm hiểu được nhiều điều mới, không chỉ bó hẹp trong Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đó là khi bạn biết sử dụng vào đúng mục đích, nếu không Facebook có thể trở thành “con dao hai lưỡi”, lâu dần trở thành thói quen không tốt có thể dẫn đến gây “nghiện”. Sau đây là một số biểu hiện của việc “nghiện” Facebook, hãy kiểm tra xem bạn đang có những biểu hiện nào:


1. Cập nhật và online mọi lúc có thể

Cuộc sống của bạn được cập nhật đầy đủ trên Facebook từ tâm trạng, hình ảnh, đi đâu, làm gì… cho mọi người biết.

2.  Thức rất khuya và dính chặt lấy mạng xã hội mọi lúc có thể.

3. Tâm trạng khó chịu và thường xuyên bồn chồn khi không được sử dụng Facebook.

4. Không kiểm soát được thời gian, thích giao tiếp qua mạng xã hội hơn giao tiếp trực tiếp.

5. Thích được mọi người chú ý đến mình thông qua những lượt like (thích), share (chia sẻ).


Để giảm hoặc cắt cơn “nghiện” Facebook, bạn hãy tham khảo những bí quyết hiệu quả sau đây:

1. Xóa chức năng nhận thông báo ở một số trang không cần thiết.

2. Chặn các lời mời chơi game trên Facebook.

3. Unfriend (hủy kết bạn) với những người bạn không quen hoặc không thân thiết.

4. Tắt thông báo, gỡ bỏ ứng dụng thông báo tin nhắn Facebook trên điện thoại.

5. Tăng cường tham gia các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ để không có nhiều thời gian để nghĩ tới Facebook. Đồng thời bạn sẽ có thêm nhiều bạn ngoài đời hơn là những người bạn “ảo” trên Facebook.

6. Hạn chế thời gian sử dụng, tự lên kế hoạch cho bản thân được sử dụng bao lâu và vào lúc nào. Ví dụ: một ngày lên Facebook 3 lần, mỗi lần 10 phút vào các buổi sáng, trưa, chiều. Mục đích để xem có thông báo mới của lớp hay có ai liên hệ với mình hay không.

7. “Chat” có chọn lọc. Bạn nên cân nhắc rằng ai là người mình cần trò chuyện, tránh tình trạng nhắn tin thâu đêm, ngày này qua ngày khác với người mà mình không quen biết.

8. Mạnh hơn nữa, bạn nên gỡ bỏ ứng dụng Facebook trên điện thoại hoặc vô hiệu hóa tài khoản một thời gian nếu bạn nghĩ mình đã bị “nghiện” Facebook quá nặng.


Khoảnh khắc quý nhất trong cuộc đời là những thời giờ nhàn rỗi. Tương lai tùy thuộc cách bạn sử dụng thời giờ nhàn rỗi hơn là những gì bạn làm trong giờ làm việc. Do vậy, đừng để Facebook chiếm của bạn quá nhiều thời gian vô bổ trong đời mà hãy sử dụng đúng lúc, đúng nơi.

Tổng hợp

Comments


  • Facebook
  • Instagram
bottom of page