Người Bắc hay người Nam quan trọng vậy sao?
- Kim Dung
- Dec 13, 2016
- 6 min read
Updated: Jun 14, 2022
Tại một khu người Nam... Có một cô hỏi: Con người Nam hay Bắc, nghe giọng lạ lạ? Chồng cô nghe vậy bảo: Con người Bắc hả? Chú hàng xóm nghe vậy tiếp lời: Giọng nó là Nam mà Cô nghe vậy liền nói: Lúc Bắc lúc Nam, nghe không rõ lắm Mình: Dạ ba con người Nam, mẹ con người Bắc. *Cười*
Sống tới tuổi này, mình đã được nghe được hàng tá những câu hỏi như vậy. Nghe riết cũng thành quen, chẳng sao cả, người ta thắc mắc thì người ta hỏi thôi, trả lời họ có một câu cũng chẳng phiền hà gì. Chỉ là, đằng sau những câu nói bông đùa lại có hàng tá những câu chọc phá, những dè bỉu và cả sự khinh miệt dành cho nhau.
Vốn mới sinh ra được ở với ông bà ngoại, khu của người Bắc, nên từ nhỏ giọng nói, lối sống của mình đều theo phong cách của họ. Ở khu người Bắc, dù tới tận bây giờ, mỗi lần lên bà chơi mình thấy vẫn không có gì thay đổi. Họ rất thích qua nhà nhau chơi, nói rất nhiều, rất khéo và một điểm mình rất ghét là thường đi mượn đồ người khác.
Cụ thể về việc qua nhau chơi, hồi xưa tối nào bà cũng cõng mình qua nhà dì hàng xóm, bà thì nói chuyện với dì, mình thì đi chơi trốn tìm với mấy đứa hàng xóm. Ngày bình thường luôn có người ghé qua nhà chơi, lễ tết thì khỏi bàn, người người, nhà nhà dắt nhau đi thăm bà con, họ hàng và cả hàng xóm như đi hội. Đại loại người ta gọi là “thăm hỏi”.
Còn về mượn và cho đồ người khác. Theo như ai đó từng nói hay mình đã được học thì người Bắc họ sống theo lối cộng đồng, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau vì ảnh hưởng của lối sống ngày xưa và khó khăn ở thời chiến. Mỗi lần nhà này nấu cái gì ngon ngon cũng mang biếu nhà khác. Thậm chí nhà mình hết hành, tỏi thì không chạy ra quán mua đâu, chỉ nghĩ ngay đến việc qua nhà bên hỏi mượn thôi. Dạo gần đây mình có lên bà, bà liền làm con gà bồi bổ. Làm xong mình dọn ra kêu bà ra ăn thì bà kêu để bà mang một ít qua cho cháu bà hàng xóm. Máu tức xông lên, mình nói bà ngồi ăn xong đã rồi làm gì thì làm, bà mới nói là làm như thế là không nên. Mình cho người ta thì phải cho trước khi ăn, chứ làm vậy coi sao được. Thế đấy, chỉ vấn đề cho và nhận thôi mà câu nệ đủ điều.
Mãi đến cấp 2, mình bị bắt đem về nhà với ba, mẹ. Quãng thời gian đó, mọi thứ xảy ra như một cơn ác mộng, không bạn bè, không hàng xóm, mọi người lạnh nhạt với nhau, tiết kiệm từ lời nói cho đến câu chào. Ở với người Bắc vốn đã quen với việc ra đường gặp người quen phải cuối đầu chào vì nếu không chào sẽ bị ăn mắng ngay. Qua bên người Nam, mình chào người ta không thèm chào lại, thậm chí còn không thèm nhìn mặt. Riết mình ghét quá, ra đường gặp hàng ông Ba, bà Bảy thì kệ xác họ, Dung đây không quan tâm nữa.
Giai đoạn ở khu người Nam khiến con nhỏ tốn không biết bao nhiêu nước mắt và những lần bỏ nhà lên bà ở vì không thể chịu được sự khác biệt văn hóa Bắc, Nam này. Bọn hàng xóm từ xóm dưới cho tới xóm trên rất chi là hỗn, chúng nó nói tục, chửi thề nhiều vô kể, chúng nó chơi những trò vô cùng nguy hiểm, đi tắm suối còn nhiều hơn tắm ở nhà, đôi khi còn đào lỗ cài bẫy người đi đường để xém nữa bị ăn cái bạt tai.
Những điều đó chưa ảnh hưởng lớn tới mình cho đến khi bọn nhỏ hàng xóm biết được mình nói giọng Bắc. Chúng nó hát những bài chế giễu người Bắc và tỏ vẻ coi khinh thường. Ở nhà thì ba bắt mình phải sửa những từ mà người Bắc hay dùng như: “Con chó nó CÔNG cái VÍ” thì phải nói lại là: “Con chó nó THA cái BÓP”. Vì phải chịu quá nhiều áp lực cả trong lẫn ngoài nên thời gian năm cấp 2 mình đã có những hành động đến bây giờ nghĩ lại cũng thấy phục mình. Mãi đến năm cấp 3, dần lơ đi mà làm quen với lối sống của người Nam, kiệm lời lại, ý tứ hơn, chẳng cần làm thân với hàng xóm và quen dần với những lời nói tục chửi thề được phun ra như mưa trong mỗi câu nói.
Kết quả của những lần thay đổi Bắc, Nam đó là nhỏ Dung như bây giờ, Bắc không ra Bắc, Nam không ra Nam. Qua khu người Bắc người ta bảo mình Nam, qua khu người Nam họ cười cười bảo mình người Bắc. Có những từ mình phát âm lạ lạ, người ta đem ra làm trò vui. Ừ thì cũng vui thật, nhưng vui một lần thôi, vui nhiều quá người Bắc họ bảo là “vô duyên”, người Nam họ bảo là “không ý tứ” đấy.
Vì được tiếp nhận lối sống vừa Bắc vừa Nam nên mình hiểu cái cái hay và không hay của hai bên. Người Bắc họ sống tình cảm, gắn kết, truyền thống, gia đình. Họ chăm chỉ, biết phấn đấu và rất lo cho tương lai của con cái nên 10 nhà thì có 8 nhà con cái đều học cao, chức lớn, gia đình khá giả rất nhanh. Và đằng sau những gì họ đạt được là cả một sự cố gắng rất nhiều, rất nhiều. Phải sống ở nơi xa lạ không phải quê hương của mình, không bà con, dòng họ gần bên. Tất cả chỉ bắt đầu bằng bàn tay trắng. Nhưng cũng chính lối sống đó khiến họ bị cô lập với cộng đồng xung quanh, đôi khi là ích kỷ.
Ở người Nam, họ quan trọng ý tứ như cách ăn, cách đi đứng. Cụ thể là nhà mình, ba dạy mình cách cầm chén, đũa, đi đứng và cả cách ngồi. Quá trình đó thật sự rất ám ảnh, ăn cơm mà rớt là phải nhặt lên ăn, cơm trong chén mà còn một hột là phải ngồi lại vét cho sạch, đi thì phải nhẹ nhàng không chạy nhảy tung tăng và hàng tá thứ mà một đứa rất ghét khuôn khổ như mình phải làm theo. Nhưng điểm đặc biệt ở họ là sự kiệm lời, nói những điều cần nói, ngay thẳng và trọng tình nghĩa, tuy có hơi “thô” một xíu. Duy chỉ một điều mà mình cảm thấy là vấn nạn, đó là việc họ không quan trọng việc học và hài lòng với lối sống qua ngày. Tuy bây giờ đã có thay đổi nhưng chỉ là chút đỉnh.
Phải khẳng định một điều, mình chẳng thích bên nào, cũng chẳng ghét bên nào. Đôi khi, mình chỉ khen bên này và chê bên kia nhưng cũng có lúc ngược lại. Vì mình biết một đứa vừa Nam, vừa Bắc là như thế nào. Qua khu người Bắc, họ chửi bọn Nam Kỳ là mất dạy, lười hay bạo lực thì mình ngồi đó cười cười, gật gật. Qua khu người Nam, họ chửi là dân Bắc Kỳ láo, keo kiệt, nham hiểm thì mình cũng gật gật, cười cười. Vì chửi bên nào cũng dính tới ba, mẹ, cũng dính tới mình đấy thôi. Nghe riết mà đôi lúc thấy buồn cười, họ chửi sau lưng người này, người kia mà không biết cũng đang chửi luôn người ngồi nghe là mình đây. 🙂
Là người Bắc hay người Nam quan trọng lắm sao? Bạn ghét người Bắc vì họ nói nhiều nhưng bù lại họ rất biết cố gắng, chăm chỉ và học hành thì khỏi chê. Bạn chửi người Nam là tục, là khó gần thì đã sao, bù lại họ ngay thẳng và sống có tình, có nghĩa. Bản tính của mỗi người mỗi khác, trong mỗi con người luôn tồn tại cái tốt lẫn cái xấu. Nếu mình thích cái tốt và chấp nhận được cái xấu của họ thì cứ tiến tới thôi.
Vậy nhen, đừng để câu nói “Nó là dân Bắc Kỳ đó” mà quánh giá họ. Hay “Nó là dân Nam Kỳ đó” mà nghỉ chơi với họ hen. Đến được với nhau thì đến, không được thì thôi mình tìm đứa khác, việc gì cứ nhìn vào mặt yếu của nhau mà xỉ vả nhau hề.
P/s: Cảm ơn Thầy, người đã truyền cảm hứng cho em viết ra những dòng này, tuy là Thầy không đọc được. :))
Một bài viết ngậy mùi cá nhân và câu từ đậm chất chân thực, không hoa mỹ, không nói giảm nói tránh nên cách dùng từ có đụng chạm mong dân tình Nam, Bắc thông cảm, dân Trung thì đọc cho vui.
Bài viết được lấy bối cảnh ở quê tui, tại một thị trấn ti hí nằm trong một tỉnh thành be bé và gọn lỏn trong một đất nước tương đối nho nhỏ. Vậy nên, những từ được dùng như “người Bắc”, “người Nam” ở trên chỉ gói gọn ở nơi bạn Dung đã sống, đã thấy và đã lớn lên. Thế nhé!
16/10/2016
Kim Dung
Comments