Sinh viên nên biết gì về cộng đồng kinh tế ASEAN
- Kim Dung
- Dec 12, 2016
- 3 min read
Updated: Jun 15, 2022
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được xem là một bước ngoặt lớn trong sự hòa nhập toàn diện nền kinh tế của 10 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Khi gia nhập vào AEC, sinh viên Việt Nam sẽ phải chuẩn bị cho mình những kế hoạch để đón đầu hội nhập một cách toàn diện nhất.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là gì?
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community, viết tắt AEC) là một khối kinh tế khu vực của các quốc gia thành viên ASEAN dự định sẽ thành lập vào cuối năm 2015. AEC là một trong ba trụ cột quan trọng của Cộng đồng kinh tế ASEAN nhằm thực hiện mục tiêu đề ra trong tầm nhìn ASEAN 2020. Hai trụ cột còn lại là: Cộng đồng An ninh ASEAN và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập nhằm mục đích tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên AEC, thúc đẩy dòng chảy tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động lành nghề trong AEC. Mục tiêu của AEC là phát triển kinh tế một cách công bằng, thiết lập khu vực kinh tế có năng lực cạnh tranh cao, thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho cả khu vực, tạo sự hấp dẫn đầu tư – kinh doanh từ bên ngoài.
Gia nhập AEC, sinh viên cần chuẩn bị những gì?
Việc tự do luân chuyển lao động sẽ là cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam, đồng thời cũng là một thách thức không nhỏ khi một lượng lớn lao động từ các nước AEC vào Việt Nam, tạo nên sự cạnh tranh với lao động trong nước. AEC đã thống nhất công nhận giá trị tương đương của các chứng chỉ đào tạo từ bậc cao đẳng, đại học trở lên đối với 8 ngành: bác sĩ, nha sĩ, hộ lý, kỹ sư, kiến trúc sư, kiểm toán viên, giám sát viên và nhân viên du lịch.
Đây sẽ là cơ hội cho lao động Việt Nam trong 8 lĩnh vực trên có thể sang các nước trong AEC làm việc. Tuy nhiên, thách thức cũng rất lớn vì cơ hội đó không chỉ dành cho lao động Việt Nam mà chia đều cho 10 nước trong AEC tạo nên sự cạnh tranh giữa các nước. Việt Nam có lợi thế về nguồn lao động trẻ đông đảo, năng động, khéo tay, chăm chỉ, có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực về lao động phổ thông. Tuy nhiên, trên thực tế, chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn thấp và có khoảng cách khá lớn so với các nước trong khu vực.
4 điều sinh viên Việt Nam nên chuẩn bị ngay từ bây giờ:
1. Trau dồi thêm các kỹ năng mềm: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp,… Để làm được điều đó các bạn cần chủ động tham gia các hoạt động ngoại khóa và các câu lạc bộ để tăng sự tự tin và tích lũy kinh nghiệm.
2. Trang bị khả năng ngoại ngữ tốt: tiếng Anh – ngôn ngữ chung trong AEC là ngoại ngữ không thể thiếu đối với sinh viên muốn hội nhập. Bạn hãy lên kế hoạch học tiếng Anh để đạt các chứng chỉ quốc tế. Ngoài ra, việc học thêm một chút ngoại ngữ của các quốc gia trong khu vực ASEAN cũng là điều cần thiết.
3. Nắm vững kiến thức chuyên môn vì nó phản ánh năng lực của bạn trong mắt nhà tuyển dụng.
4. Tìm hiểu văn hóa, con người các nước Đông Nam Á. Điều đó sẽ giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng và dễ dàng hòa nhập trong môi trường làm việc mới.
Bản thân mỗi sinh viên cần chủ động trau dồi, nâng cao năng lực bản thân thật tốt. Bên cạnh đó, sinh viên cũng cần lập cho mình mục tiêu và kế hoạch cụ thể để đón đầu cơ hội khi Việt Nam gia nhập cộng đồng Kinh tế AEC.
Tổng hợp
Comentários